Đĩa làm từ vỏ dứa sẽ nảy mầm khi trồng

Đăng ngày

Công ty Lifepack của Colombia hiện đang sản xuất đĩa và dao thìa dĩa dùng một lần có khả năng phân hủy sinh học và thân thiện với môi trường từ ngọn quả dứa. Những chiếc đĩa này khi bỏ đi sẽ nảy mầm trong đất vì chúng có chứa hạt giống.
Những chiếc đĩa này là một phần trong những nỗ lực của Lifepack nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trên toàn cầu. Công ty này trước đây đã từng sản xuất các loại đai giấy giữ cốc và hộp đựng bánh sandwich có chứa hạt từ các loại cây ăn quả/ rau, bao gồm dâu tây, rau mùi và rau dền.

Sản phẩm của Lifepack nảy mầm khi được chôn dưới đất
Sản phẩm của Lifepack nảy mầm khi được chôn dưới đất

Bà Claudia Barona, đồng sáng lập Lifepack chia sẻ: “Chúng tôi đang sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp mà mọi người thường vứt bỏ, và biến chúng thành những sản phẩm hữu ích. Đó là cách Lifepack tạo nên sự khác biệt.”
Lifepack’s California hiện có thể sản xuất lên tới 10.000 chiếc đĩa thân thiện với môi trường/ ngày trong mùa cao điểm. Công ty thu thập ngọn dứa từ Deli Agro Foods – một nhà máy chế biến gần đó và được miễn phí hoàn toàn tiền nguyên liệu.

Ngọn dứa được thu thập để sản xuất
Ngọn dứa được thu thập để sản xuất

Gloria Estela Ramirez, Giám đốc Deli Agro Foods cho biết “Chúng tôi đang cố gắng thúc đẩy việc tạo nên nền kinh tế tuần hoàn. Về việc cung cấp ngọn dứa, chúng tôi nghĩ rằng những nỗ lực của Lifepack là quan trọng và đáng được ghi nhận. Và điều chúng tôi có thể đóng góp là hỗ trợ họ.”
Quy trình Lifepack sản xuất đĩa và các loại dao thìa dĩa dùng một lần:
• Cắt nhỏ ngọn dứa
• Trộn chúng với giấy tái chế
• Ép phẳng thành các tấm
• Phơi khô dưới ánh nắng mặt trời
• Sau đó, ép khuôn thành các loại vật dụng thân thiện môi trường

“Không chỉ làm ra một chiếc đĩa có khả năng phân hủy sinh học, Lifepack muốn đi xa hơn nữa, và tạo ra một chiếc đĩa có thể gieo mầm sự sống” Ông Andres Benavides, chồng của Barona và Đồng sáng lập Lifepack chia sẻ.

Giống như hầu hết các quốc gia khác trên toàn thế giới, Colombia đang nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa. Ở một số thành phố, những người “nhặt rác” chuyên thu gom các nguyên liệu tái chế từ thùng rác hiện đã được thuê làm công nhân chính thức của thành phố. Năm 2017, quốc gia này cũng đã áp thuế lên sản phẩm nhựa dùng một lần và mức thuế này tăng hàng năm.

Hiện nay, Mỹ là quốc gia tạo ra nhiều rác thải nhựa nhất trên thế giới. Một nghiên cứu cho thấy lượng rác do người Mỹ thải ra hiện đang bị đánh giá thấp hơn thực tế và con số thực sự lớn hơn gấp 5 lần. Trung bình, một người Mỹ thải ra 150 chiếc cốc và đĩa dùng một lần mỗi năm. Con số này tích lũy lên tới hơn 1 triệu tấn đĩa – có trọng lượng tương đương 2 tàu sân bay Nimitz.

Những chiếc đĩa chứa hạt giống của Lifepack
Những chiếc đĩa chứa hạt giống của Lifepack

Hầu hết rác thải nhựa không được tái chế và kết thúc vòng đời trong các bãi rác và đại dương. Tuy nhiên, để người tiêu dùng mua các sản phẩm phân hủy sinh học, thân thiên với môi trường là một thách thức lớn. “Khi chúng tôi khởi nghiệp cách đây một thập kỉ, mọi người đều nghĩ rằng chúng tôi bị điên. Ở Colombia, mọi người không có ý thức bảo vệ môi trường, họ chỉ muốn dùng bất cứ thứ gì rẻ nhất,” Barona kể lại.

Một trong những lý do chính khiến người tiêu dùng mua đồ nhựa thay vì các sản phẩm sinh học là giá cả. Đĩa của Lifepack có giá thành khoảng $2,50/ 1 tá – cao gấp đôi giá đĩa nhựa thường. Ngày nay, người tiêu dùng ngày càng có ý thức về môi trường. Vì vậy Lifepack đã nắm bắt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về bao bì thân thiện với môi trường, mặc dù giá thành vẫn cao hơn.

Kể từ khi thành lập công ty, nhu cầu đã tăng lên đến 40%. Hiện nay, đĩa của Lifepack được phân phối tại 3 chuỗi siêu thị tại địa phương, qua website và các khách hàng ở Mỹ.

Benavides giải thích: “Trong một ngày làm việc 8 tiếng, chúng tôi có thể sản xuất 6.000 đến 12.000 sản phẩm. Hiện tại, cầu lớn hơn cung nên tất cả sản phẩm của chúng tôi đều được bán hết. Điều đó thể hiện những phản hồi tích cực từ khách hàng, từ đó tạo ra thị trường cho các sản phẩm của chúng tôi.”

Lifepack hiện có kế hoạch nâng cấp máy móc để tăng sản lượng và phát triển nhượng quyền kinh doanh ra toàn thế giới nhằm giúp giảm thiểu rác thải nhựa

Nguồn: intelligentliving.co

https://www.intelligentliving.co/eco-friendly-plates-made-from-pineapple/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *