Xử lý nhựa phân hủy sinh học sao cho đúng?

Đăng ngày

Không phải ai cũng biết xử lý nhựa phân hủy sinh học đúng cách, họ cần hỗ trợ để biết cách thực hiện. Đây là một trong những kết luận của một nghiên cứu mới do các nhà khoa học tại Đại học Surrey và Imperial College London thực hiện.

Tiến sĩ Zoe M Harris, Giảng viên cao cấp tại Trung tâm Môi trường và Bền vững, Đại học Surrey, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Phần lớn rác thải nhựa hiện nay đều được đưa đến các bãi chôn lấp, hoặc tệ hơn là thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên. Trong khi đó, tái chế nhựa tại nhà còn gặp nhiều khó khăn. Một giải pháp được đưa ra là phát triển các loại nhựa có thể phân hủy sinh học cùng với chất thải thực phẩm để biến chúng thành phân trộn. Tuy nhiên, điều này chỉ phát huy tác dụng khi mọi người biết bỏ nhựa phân hủy sinh học vào đúng thùng phân loại rác. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, nhiều người không biết cách phân loại loại rác thải này”.

Loại nhựa được chứng nhận là có thể phân hủy trong môi trường ủ công nghiêp là chúng được thiết kế và thử nghiệm để phân hủy trong các điều kiện thông thường của quá trình ủ phân công nghiệp.

Để nghiên cứu lý do tại sao một số người biết cách xử lý rác thải nhựa phân huỷ sinh học trong khi những người khác thì không, nhóm đã tiến hành khảo sát các cộng đồng tại Imperial College London và Đại học California, Davis.

Họ đã nghiên cứu hệ thống tái chế ở cả hai cơ sở nói trên, thực hiện khảo sát để xác định các yếu tố có thể ảnh hưởng đến hoạt động xử lý rác. Sau đó, họ áp dụng phương pháp phân tích mạng lưới, nhằm lập bản đồ mối quan hệ giữa các yếu tố và cách xử lý để tìm ra yếu tố nào có tầm ảnh hưởng nhất.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, một người càng am hiểu về nhựa phân hủy sinh học và tái chế thì họ càng có nhiều khả năng vứt rác thải nhựa phân hủy sinh học vào cùng với rác thải thực phẩm.

Kiến thức đóng vai trò quan trọng nhưng việc tiếp cận cơ sở hạ tầng phù hợp cũng là điều cần thiết. Theo đó, những người tham gia tại Đại học California, vốn là nhóm đối tượng có thể tiếp cận thùng phân loại rác thực phẩm dễ dàng hơn so với nhóm ở Imperial College London (78% so với 57%), có nhiều khả năng bỏ rác thải nhựa phân hủy sinh học vào thùng đó hơn (71% so với 45%).

Tiến sĩ Sarah Kakadellis, thuộc Đại học California, Davis, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Nếu chúng ta muốn nhựa phân hủy sinh học phát huy được tiềm năng bền vững của mình, chúng ta cần hiểu cách thức sử dụng chúng. Cung cấp cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý chất thải phù hợp là điều cần thiết để nhựa sinh học được xử lý đúng cách. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần đảm bảo người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa loại nhựa nào có thể bỏ vào thùng rác thực phẩm và loại nhựa nào không. Các thuật ngữ về nhựa phân hủy sinh học có thể gây nhầm lẫn, do đó cần phải thắt chặt các quy định về ghi nhãn và nâng cao vai trò, trách nhiệm của nhà sản xuất”.

Nguồn Foodprocessing: https://www.foodprocessing.com.au/content/packaging-labelling-coding/news/make-plastic-packaging-less-confusing-scientists-warn-414367007)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *