Các nhà khoa học Nhật Bản tìm thấy hạt vi nhựa trong các đám mây

Đăng ngày

Các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm thấy từ 6,7 – 13,9 hạt vi nhựa trong mỗi lít nước được lấy từ các đám mây thử nghiệm. 

Theo đó, trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Environmental Chemistry Letters gần đây, các nhà khoa học Nhật Bản đã thu thập nước từ sương mù bao phủ núi Phú Sĩ và núi Oyama, sau đó áp dụng các kỹ thuật hình ảnh tiên tiến để xác định tính chất vật lý và hóa học của chúng. 

Các nhà khoa học đã tìm thấy hạt vi nhựa trong các đám mây trên đỉnh núi Phú Sỹ (Nhật Bản). Ảnh: Flickr

Nhóm nghiên cứu đã xác định được 9 loại polyme và một loại cao su trong các hạt vi nhựa có kích thước dao động từ 7,1 – 94,6 µm. Mỗi lít nước thu được từ các đám mây mù thử nghiệm chứa từ 6,7 đến 13,9 hạt vi nhựa. 

Tác giả chính của nghiên cứu, ông Hiroshi Okochi của Đại học Waseda, cảnh báo: “Nếu vấn đề ‘ô nhiễm không khí nhựa’ không được chủ động giải quyết, các rủi ro về biến đổi khí hậu và sinh thái sẽ ngày càng hiện rõ, gây ra những thiệt hại môi trường nghiêm trọng và không thể khắc phục được trong tương lai”. 

Ông Okochi cho biết, khi các hạt vi nhựa tiếp cận tầng khí quyển phía trên và tiếp xúc với bức xạ tia cực tím từ ánh sáng mặt trời, chúng sẽ phân hủy, góp phần tạo ra khí nhà kính. 

Vi nhựa – được định nghĩa là các hạt nhựa có kích thước dưới 5 mm có nguồn gốc từ nước thải công nghiệp, dệt may, lốp ô tô tổng hợp, sản phẩm chăm sóc cá nhân và các nguồn khác – đã được phát hiện bên trong các con cá ở biển Bắc Cực và trong tuyết trên dãy núi Pyrenees nằm giữa Pháp và Tây Ban Nha. 

Tuy nhiên, cơ chế di chuyển của chúng đến các địa điểm trên vẫn chưa rõ ràng, đặc biệt là nghiên cứu về di chuyển vi nhựa trong không khí còn hạn chế. Theo các tác giả, đây cũng là báo cáo đầu tiên về vi hạt nhựa trong mẫu nước lấy từ các đám mây mù. 

Đại học Waseda cho biết nghiên cứu này cũng cho thấy vi nhựa được con người cũng như động vật ăn hoặc hít phải và ở trong nhiều cơ quan như phổi, tim, máu, nhau thai và phân. “Mười triệu tấn hạt vi nhựa này trôi ra đại dương, thoát ra theo dòng nước biển và tìm đường vào khí quyển. Điều này cho thấy vi nhựa có thể đã trở thành một thành phần thiết yếu của các đám mây, làm ô nhiễm hầu hết mọi thứ chúng ta ăn và uống thông qua các cơn ‘mưa nhựa’”, trường đại học cho biết khi công bố kết quả nghiên cứu mới. 

(Theo Aljazeera

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *