Hồng Kông cấm đồ ăn bằng nhựa dùng 1 lần từ 2024

Đăng ngày

Hồng Kông sẽ cấm bộ đồ ăn bằng nhựa dùng một lần tại các nhà hàng từ ngày 22/4/2024. Lệnh cấm sẽ có hiệu lực sau khi việc tính phí túi đựng rác thải bắt đầu vào ngày 1/4/2024.


Lệnh cấm sẽ được thực hiện theo hai giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu là cấm bán và phân phối bộ đồ ăn bằng nhựa dùng một lần, chẳng hạn như hộp đựng bằng polystyrene giãn nở, ống hút nhựa, que khuấy và các loại dao thìa dĩa nhựa.

Ngoài ra, các sản phẩm đã có giải pháp thay thế không phải nhựa, chẳng hạn như tăm bông, vỏ ô và que phát sáng cũng sẽ bị cấm trong giai đoạn này. Các khách sạn và nhà nghỉ sẽ bị cấm cung cấp đồ vệ sinh cá nhân đựng trong hộp nhựa dùng một lần và các loại chai nước nhựa miễn phí.

Giai đoạn hai, có thể bắt đầu sớm nhất là vào năm 2025, sẽ cấm hộp đựng thức ăn bằng nhựa và phân phối miễn phí các sản phẩm như chỉ nha khoa và nút tai có thân nhựa. Các cơ quan quản lý môi trường Hồng Kông đã xây dựng một nền tảng trực tuyến với lời khuyên về cung cấp bộ đồ ăn dùng một lần không dùng nhựa, cho thuê các loại dao thìa dĩa và dịch vụ vệ sinh để hỗ trợ ngành ăn uống, nhà cung cấp và công chúng.

Cục Môi trường và Sinh thái của Hồng Kông ban đầu đã công bố kế hoạch bắt đầu lệnh cấm sớm nhất vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2024. Tuy nhiên, gần đây họ đã thay đổi và cho biết luật mới sẽ có hiệu lực vào quý 2 năm sau.

Ông Tommy Cheung, thành viên của Hội đồng Lập pháp Hong Kong, đại diện cho ngành Dịch vụ ẩm thực (The Catering Functional Constituencies) lo ngại rằng ngay sau lệnh cấm đồ nhựa dùng 1 lần sẽ là việc áp dụng thu phí với rác túi nhựa. Ông Cheung cũng kêu gọi các nhà hàng tránh tích trữ đồ nhựa dùng 1 lần để tránh vi phạm các quy định mới sau khi luật thay đổi và nên tìm kiếm các giải pháp thay thế càng sớm càng tốt.

Nhà lập pháp Elizabeth Quat, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề về môi trường, giải thích luật này sẽ “có tác động sâu rộng, không chỉ đối với cuộc sống của người dân mà còn đối với doanh nghiệp” và cần các cuộc thảo luận chi tiết để tất cả mọi người cùng hiểu, sáng tỏ những hiểu lầm nếu có.

Bộ trưởng Môi trường và Sinh thái, Tse Chin-wan cho biết chính quyền sẽ đưa ra cảnh báo cho những người vi phạm trong 2 tháng đầu tiên khi lệnh cấm có hiệu lực, sau đó sẽ chuyển sang hành động cưỡng chế. Ngoài ra, một đường dây nóng sẽ được thiết lập để giải quyết các thắc mắc và khiếu nại của công chúng.

Nhà lập pháp Cheung cũng yêu cầu các quan chức môi trường đánh giá tác động của lệnh cấm đối với nền kinh tế và người dân trước khi giai đoạn 2 bắt đầu. “Nếu ảnh hưởng nghiêm trọng, tôi nghĩ chính quyền nên chờ đợi thêm 1 thời gian nữa.”

Ông Gary Chan Hak-kan thuộc Liên minh Dân chủ vì sự tiến bộ và phát triển của Hồng Kong (DAB), cho biết chính phủ nên thay đổi thói quen của các nhà hàng, vì giờ đây họ đang có xu hướng cho các dụng cụ ăn uống dùng 1 lần vào trong các đơn take-away.

Nhà lập pháp Peter Shiu Ka-fai cũng cảnh báo công chúng nên chuẩn bị tinh thần cho việc các chủ nhà hàng sẽ tính thêm chi phí khi lệnh cấm diễn ra. “Không có bữa trưa nào miễn phí”, ông chia sẻ “sự chênh lệch giá giữa các bộ dụng cụ ăn uống bằng nhựa và các sản phẩm thay thế khác không chỉ là vài % mà có thể là gấp nhiều lần.”

Ông Shiu cũng kêu gọi chính quyền Hồng Kong khuyến khích người sử dụng lao động mua các vật phẩm có thể tái sử dụng cho nhân viên.

Một ý kiến khác cũng cho biết chính phủ nên tăng cường nỗ lực thúc đẩy tái sử dụng và tái chế để cắt giảm rác thải tại nguồn.

Bên cạnh đó, các nhà bảo vệ môi trường vẫn tiếp tục kêu gọi chính phủ Hồng Kong đưa ra lệnh cấm càng sớm càng tốt và tránh trì hoãn việc triển khai giai đoạn 2. “Việc thực hiện sớm lệnh cấm nhựa dùng một lần có thể giúp người dân thay đổi thói quen, trước khi thực hiện việc thu phí khác vào ngày 1/4”.

Theo kế hoạch hiện tại, 2 giai đoạn chỉ diễn ra cách nhau 22 ngày, như vậy, người dân sẽ phải thích ứng với cả 2 trong một thời gian ngắn, điều này có thể gây ra phản ứng dữ dội hơn so với thỏa thuận ban đầu.”

Nhà vận động Leane Tam Wing-lam cho biết chính phủ nên ấn định chắc chắn ngày bắt đầu giai đoạn 2 và khởi động một chiến dịch quảng bá.

“Bên cạnh việc cấm nhựa, chính phủ các nước khác đang đầu tư nguồn lực để thúc đẩy các giải pháp tái sử dụng nhằm thay thế bộ đồ ăn dùng một lần.” Ông Tam chia sẻ “Nếu không, ngành nhà hàng sẽ chuyển sang các sản phẩm làm bằng vật liệu khác, làm giảm đáng kể hiệu quả giảm thiểu chất thải.”

Chương trình tính phí chất thải rắn có nghĩa là công chúng phải mua túi nhựa do chính phủ chỉ định, có 9 kích cỡ, với mỗi lít dung tích có giá 11 cent HK (1,4 cent Mỹ).

Chương trình sẽ có thời gian ân hạn 6 tháng sau khi quy định có hiệu lực.

Nguồn: scmp.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.