VTV “Cất cánh” tháng 7: Đừng chết trong rác thải nhựa

Đăng ngày

Chương trình “Cất cánh” tháng 7/2019 với chủ đề liên quan đến vấn nạn rác thải nhựa với sự góp mặt của các diễn giả và khách mời: Nhạc sỹ Huy Tuấn, nhiếp ảnh gia Hùng Lekima, bà Hoàng Thị Minh Hồng – GĐ Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển – và bà Nguyễn Lệ Hằng – PTGĐ kiêm GĐ Phát triển bền vững Công ty An Thành Bicsol, thành viên Tập đoàn An Phát Holdings. Đây là những cá nhân, tập thể không ngừng nghỉ hành động vì một thế giới hạn chế tối đa rác thải nhựa và một thế giới tràn đầy sự sống xanh.

“Cất cánh” được sản xuất dưới dạng talkshow về diễn thuyết, là nơi khán giả có thể lắng nghe câu chuyện từ những người bình thường, nhưng quan điểm, trải nghiệm của họ có khả năng truyền cảm hứng để nhiều người khác thêm động lực sống trọn với đam mê và mơ những giấc mơ lớn lao.

Với chủ đề liên quan đến vấn nạn rác thải nhựa, Chương trình Cất cánh tháng 7 đã gặp gỡ và trao đổi với nhạc sỹ Huy Tuấn là một trong những người nổi tiếng đầu tiên đứng lên thể hiện chính kiến ủng hộ về việc bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Chương trình còn gặp gỡ và trao đổi với Nhiếp ảnh gia Hùng Lekima – “kẻ săn rác”, là người đã chụp nhiều bức ảnh về rác thải nhựa để báo động về vấn nạn rác thải, kêu gọi sống xanh, trả lại môi trường trong sạch cho biển cả trên hành trình đi xe máy xuyên Việt của mình. Khách mời bình luận chương trình tháng này là bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (Trung tâm CHANGE).

Không chỉ có các cá nhân và tổ chức hoạt động vì môi trường, cuộc trò chuyện này còn có sự tham gia của doanh nghiệp – một thành phần quan trọng góp phần thay đổi hành động của người tiêu dùng trong hành trình đẩy lùi rác thải nhựa, đó là Tập đoàn An Phát Holdings, đơn vị sở hữu nhãn hàng AnEco – Sản phẩm thay thế các đồ dùng nhựa 1 lần.

Chia sẻ trong chương trình, bà Nguyễn Lệ Hằng – PTGĐ kiêm GĐ Phát triển bền vững Công ty An Thành Bicsol, thành viên Tập đoàn An Phát Holdings – chia sẻ về các khó khăn doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải khi sản xuất các sản phẩm xanh. Đó là hàng chục nghìn cơ sở túi chế túi nylon từ rác thải y tế, sự nhập nhằng trong khái niệm “tự hủy sinh học”. Và một trong những khó khăn lớn khi sản xuất các sản phẩm thay thế chính là giá thành sản phẩm. Với nguồn nguyên liệu nhập từ Đức, công nghệ sản xuất và bảo quản khắt khe nên những sản phẩm ấy đang cao hơn khoảng 3 lần so với các sản phẩm nhựa dùng một lần thông thường. Tuy nhiên, xét về mặt giá trí và lợi ích thì mức chi phí đó hoàn toàn xứng đáng.

Câu hỏi “Nếu bạn đi uống café và có 2 lựa chọn, một bên là cốc café giá 20,000đ nhưng được đựng trong cốc nhựa và một bên là cốc café 23,000đ đựng trong chiếc cốc sinh học thân thiện với môi trường. Bạn sẽ chọn cốc café nào?” bà Nguyễn Lệ Hằng đặt ra cũng giúp khán giả có góc nhìn khác khi đưa ra các quyết định tiêu dùng thường nhật.

Qua 75 phút ngắn gọn, chương trình không chỉ giúp khán giả hiểu được những tác hại khôn lường của việc xả rác bừa bãi, đặc biệt là rác thải nhựa mà còn kêu gọi tất cả người dân có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.