Tiêu dùng xanh – Góc nhìn đa diện
Đăng ngàyThời gian gần đây cụm từ “tiêu dùng xanh” được truyền thông nhắc đến rất nhiều: sự chuyển dịch tiêu dùng xanh, các doanh nghiệp “bắt tay” với các nhãn hiệu bảo vệ môi trường… Hòa chung với xu hướng trên thế giới, tiêu dùng xanh ở Việt Nam không chỉ là lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng mà còn là cách các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường. Theo đó, sự tác động của Tiêu dùng xanh lên mọi mặt của nền kinh tế xã hội và đời sống cũng cần được nhìn nhận theo nhiều chiều.
Hiểu đúng – đủ về khái niệm tiêu dùng xanh
Tiêu dùng xanh là việc mua và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, không gây hại cho sức khỏe con người và không đe dọa đến hệ sinh thái tự nhiên.
Còn các sản phẩm thân thiện với môi trường là tất cả các sản phẩm ở các ngành hàng như gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm… được sản xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên, hữu cơ hoặc thành phần an toàn, ít gây hại đến môi trường và sức khỏe con người trong và sau quá trình sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm đó còn có thể bao gồm các yếu tố như quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, không sử dụng hóa chất độc hại, hoặc giúp cho người tiêu dùng tiết kiệm năng lượng…
Xu hướng tiêu dùng xanh tác động đến xã hội như nào
Xét yếu tố quan trọng trong xã hội chính là con người, sẽ thấy được rõ tác động của tiêu dùng xanh hiện nay. Những năm gần đây rất nhiều các sự kiện kêu gọi thay đổi nhận thức, thay đổi hành động để bảo vệ môi trường được diễn ra; những câu kêu gọi “Giảm thiểu rác thải nhựa”, “Cứu lấy Trái Đất trước ô nhiễm trắng”, “Nói không với nhựa dùng 1 lần”… xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông cả online và offline, được nhiều người ủng hộ, hưởng ứng và chia sẻ rầm rộ.
Những hành động thiết thực đang dần trở nên phổ biến: ít sử dụng túi nilong, mang túi xách cá nhân hoặc sử dụng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn khi đi chợ; hạn chế nhận đồ nhựa khi đặt đồ ăn sẵn…
Không chỉ là từng cá nhân, ở các cơ quan ban ngành hay doanh nghiệp cũng rất quan tâm đến phong trào này. Họ đã thể hiện sự chung tay vì môi trường qua những chương trình như: “Cuộc họp không chai nhựa”, “Văn phòng không nhựa”,…
Dù biết là để chuyển đổi từ nhận thức sang hành động phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng có thể thấy được ý thức người tiêu dùng đã và đang chuyển dịch theo hướng tích cực.
Về mặt kinh tế, tiêu dùng xanh đã tác động ra sao?
Với xu hướng có sức ảnh hưởng lớn như tiêu dùng xanh, khó doanh nghiệp nào có thể ngó lơ. Để cạnh tranh trên thị trường, xu hướng “xanh hóa” trong xây dựng thương hiệu ngày càng phổ biến, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất nhằm cho ra đời những sản phẩm đảm bảo yếu tố “xanh” và “sạch”, xây dựng thương hiệu xanh gắn với phát triển bền vững. Theo kết quả nghiên cứu của Nielsen VN, các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” đều có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm.
Xu hướng tiêu dùng xanh cũng kéo theo sự nở rộ của các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch như Sói Biển, Bác Tôm, Home Food, Hano Farm,… nhằm đáp ứng nhu cầu mua sản phẩm sạch, rõ nguồn gốc của người dân.
Nhiều cửa hàng đồ uống, chuỗi cà phê “bắt tay” với các đơn vị cung cấp sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm theo xu hướng xanh bằng cách sử dụng các sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn thay cho ống hút nhựa; hạn chế sử dụng các loại nước đóng chai có bao bì khó phân hủy;… Hiện nay, các doanh nghiệp tiên phong trong sử dụng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn thay thế cho đồ nhựa dùng 1 lần có thể kể đến: Vinamilk, chuỗi The Coffee House, Highland Coffee, etc.
Nhiều siêu thị lớn trên cả nước như Co.opmart, Lotte mart thời gian qua cũng chung tay, nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng túi nylon, rác thải nhựa bằng cách sử dụng lá chuối gói rau củ, thực phẩm thay túi nylon; sử dụng, phân phối các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường…
Và đặc biệt, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển mình trong nghiên cứu và sản xuất, tạo ra những sản phẩm thân thiện môi trường, tiên phong như tập đoàn An Phát Holdings với sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn AnEco.
Hãy là người tiêu dùng xanh thông thái
Có thể nói, phần lớn xã hội hiểu được rằng tiêu dùng xanh mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và môi trường sống. Thế nhưng, để các sản phẩm xanh có thể thay thế hoàn toàn các sản phẩm tiêu dùng thông thường gây ô nhiễm thì còn rất nhiều khó khăn, trở ngại, nhất là với một nước đang phát triển như Việt Nam.
Ngoài vào cuộc mạnh mẽ của Nhà nước thì chính người tiêu dùng cần tích cực thay đổi những thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần từ trước đến nay, tìm hiểu kỹ lưỡng và đưa ra những lựa chọn đúng đắn cho sức khỏe của bản thân và cả môi trường sống.
Đối với mỗi cá nhân, đó là sự THAY ĐỔI; đối với toàn xã hội, đó là sự CHUYỂN ĐỔI. Một câu chuyện không chỉ của riêng ai, trong đó, tất cả chúng ta đều là nhân vật chính.