Nội dung tọa đàm ‘Chống rác thải nhựa’

Đăng ngày

Ngày 14/11, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Chống rác thải nhựa”.

Với quan điểm nhất quán là phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường, thúc đẩy việc thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, hướng tới xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, trong đó nổi lên là vấn đề chất thải rắn nói chung và tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa nói riêng vẫn đang ở mức báo động. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5-7 túi nylon/một ngày, bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ… Như vậy, hàng triệu túi nylon được sử dụng và thải ra môi trường hằng ngày. Chính thói quen sử dụng phổ biến các sản phẩm này trong đại bộ phận người dân hiện nay đang gây ô nhiễm môi trường sống và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.

Nhằm chủ động cung cấp thông tin về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, nêu bật các chủ trương, giải pháp tuyên chiến với rác thải nhựa của Chính phủ trong thời gian tới, đồng thời ghi nhận các đề xuất, kiến nghị từ chính người dân, doanh nghiệp, nhà quản lý xoay quanh vấn đề này, ngày 14/11, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm “Chống rác thải nhựa”.

Khách mời tọa đàm:
Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
GS.TS.Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam
Bà Trần Thanh Phương, Phó Giám đốc Ban Kinh Doanh, đại diện Tập đoàn An Phát Holdings
Nhà báo Hoàng Quốc Dũng, Báo Tiền Phong

Nội dung tọa đàm:
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường nói chung, trong đó có thúc đẩy việc thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng rác thải nhựa, xin ông chia sẻ đôi nét về những giải pháp cũng như kết quả bước đầu đã đạt được?

Ông Võ Tuấn Nhân: Chính phủ đã thấy rõ tác hại của chất thải nhựa và túi nylon sử dụng một lần. Năm 2011, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó, quy định túi nylon không thân thiện với môi trường là một trong những đối tượng phải chịu thuế. Năm 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 07 quy định túi nylon thân thiện với môi trường được miễn giảm thuế và được dán nhãn xanh. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với chất thải nhựa và túi nylon”. Sau đó, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành nhiều hoạt động như hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, những lớp tập huấn, tuyên truyền vận động đến người dân và có những tác động trong kiểm soát ô nhiễm môi trường đối với túi nylong. Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược điều chỉnh quốc gia quản lý tổng hợp chất thải rắn, trong đó quy định rõ lộ trình, phương thức kiểm soát chất thải nhựa và túi nylong. Tháng 10/2018, được sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lễ phát động phong trào toàn quốc chống rác thải nhựa. Tháng 4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã gửi thư đến các cơ quan chính quyền địa phương, doanh nghiệp và đồng bào trong cả nước phát động lời kêu gọi “toàn dân chung tay chống rác thải nhựa và túi nylong”. Đặc biệt, ngày 9/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo và tham gia phát động toàn dân ra quân chống rác thải nhựa.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã họp với 14 tổ chức tôn giáo trong cả nước, ngồi lại bàn với nhau về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó tập trung cho việc chống rác thải nhựa và túi nylon. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động đến tất cả các trường, kêu gọi các em học sinh tham gia phong trào chống rác thải nhựa và túi nylong. Đoàn Thanh niên liên tục ra quân và hành động chứ không còn tuyên truyền nữa. Chính quyền địa phương, những nơi có chất thải nhựa mà thông tin đại chúng đã nêu đã có biện pháp xử lý ngay. Các doanh nghiệp đã kết hợp lại thành liên minh chống rác thải nhựa, trước hết là Liên minh Bao bì nhựa Việt Nam, bước đầu có 12 tập đoàn lớn hình thành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kí cam kết với hiệp hội này. Hiện nay, hội đã có sự tăng trưởng về số lượng thành viên.

Là doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường, xin bà chia sẻ đôi nét về tình hình sản xuất của doanh nghiệp cũng như nhu cầu của thị trường Việt Nam và thế giới với các sản phẩm này?

Bà Trần Thanh Phương: Với tôn chỉ hoạt động rõ ràng, chúng tôi đang phấn đấu trở thành doanh nghiệp hàng đầu Đông Nam Á về nhựa kĩ thuật cao, thân thiện với môi trường. Với hệ sinh thái sản xuất hơn 13 đơn vị thành viên và hơn 19 nhà máy, chúng tôi đang tập trung vào 6 lĩnh vực chủ chốt: Giải pháp về bao bì; nguyên vật liệu tự hủy và các sản phẩm thân thiện với môi trường; vật liệu xây dựng công nghệ cao và thân thiện với môi trường; nhựa kĩ thuật cao; khuôn mẫu chính xác; bất động sản, khu công nghiệp. Tập đoàn An Phát đã khẳng định được vị thế của mình tại thị trường thế giới với tổng doanh thu năm 2019 đạt 12.000 tỷ (hơn 50% doanh thu đến từ thị trường xuất khẩu). An Phát đã khẳng định tên tuổi của mình qua các thị trường thế giới quan trọng như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản,…

Lĩnh vực vật liệu tự hủy, sinh học, thân thiện với môi trường là một trong những lĩnh vực trọng tâm của chúng tôi, đây là một bước chuyển mình quan trọng của Tập đoàn An Phát. Với xu hướng của thế giới là đang chuyển dịch dần sang các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế cho túi nylon truyền thống mà vòng đời của chúng tồn tại từ 200 đến 500 năm mới được phân rã hoàn toàn thì Tập đoàn An Phát đang đưa ra các giải pháp có tác động tốt đến môi trường hơn như các túi sinh học phân hủy hoàn toàn. Các sản phẩm của An Phát hoàn toàn có thể tự phân hủy trong điều kiện bình thường từ 6 tháng đến một năm thành mùn, nước hoặc chất CO2.

Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng ngành nhựa đang tăng theo nhu cầu của người dân, trong đó ngành bao bì nhựa chiếm 35% trong tổng số, doanh thu đến từ ngành này khoảng 15 tỷ USD mỗi năm. Vì vậy, với tuyên bố từ Chính phủ là đến 2025, Việt Nam sẽ cấm toàn bộ túi nylon sử dụng một lần. Có nghĩa rằng, chúng ta cần phải có một cái giải pháp cho sản phẩm thay thế và An Phát đang cung cấp một giải pháp như vậy.

Về tổng thể, chúng ta thấy thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần vẫn phổ biến trong đại bộ phận người dân. Từ góc độ chuyên gia, bà nhìn nhận thế nào về mức độ báo động ô nhiễm rác thải nhựa ở Việt Nam?

Bà Đặng Thị Kim Chi: Việc thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý các sản phẩm nhựa khó phân hủy và những túi nylon sử dụng một lần ở Việt Nam vẫn còn rất nhiều bất cập. Việc xử lý không triệt để và quản lý không tốt dẫn đến rất nhiều tác hại đối với môi trường của chúng ta, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Chúng ta biết rằng, trong tự nhiên, loại sản phẩm nhựa khó phân hủy, túi nylon có thể tồn tại đến vài trăm năm và chính sự tồn tại này sẽ làm ảnh hưởng đến thành phần đất, nước. Nếu túi nylon được xử lý bằng nhiệt thì sẽ sinh ra rất nhiều khí độc cho cơ thể người. Việc chúng ta đang sử dụng túi nylon trong sinh hoạt hằng ngày như một thói quen đã dẫn đến rác thải nylon ngày càng tăng. Tại Hà Nội, mỗi ngày người dân thải ra 5.000 tấn rác, trong đó khoảng 7%-8% là nylon hoặc sản phẩm nhựa khó phân hủy. Tình trạng này báo động chúng ta rằng nếu không nhìn thấy tác hại của túi nylon, rác thải nhựa thì không chỉ thế hệ chúng ta mà cả thế hệ sau này sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Ông có chia sẻ gì thêm về cảnh báo của bà Đặng Thị Kim Chi về tình trạng báo động ô nhiễm rác thải nhựa hiện nay?

Ông Hoàng Quốc Dũng: Tôi muốn bổ sung thêm là việc giải quyết vấn đề môi trường, trong đó có ô nhiễm chất thải nhựa khó phân hủy của chúng ta dường như chưa song hành cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội. Tôi lấy ví dụ như tỉnh Bắc Ninh là tỉnh bé nhất nước nhưng có mức thu hút thu hút đầu tư nước ngoài rất lớn (18 tỷ USD), tất cả các ngành công nghiệp ở đó đều là ngành công nghệ cao. Nhưng nếu ai đi trên quốc lộ 18 từ Hà Nội đi Quảng Ninh, qua Bắc Ninh, hình ảnh đầu tiên mà chúng ta nhìn thấy là 2 núi rác cực lớn. Như chúng tôi được biết, nơi nào phát triển kinh tế càng mạnh thì nơi đó, mức độ sử dụng rác thải nhựa càng lớn. Cái này nó liên quan đến giải pháp can thiệp thế nào để giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy.

Chúng ta dường như mới dừng lại ở mức tuyên truyền bề ngoài, còn trong hành động hay nhận thức thì thấy khó có thể thay đổi. Ví dụ: Ở Việt Nam có một đặc thù là chúng ta ‘đội nhựa trên đầu’, nhưng có một tỷ lệ lớn mũ bảo hiểm chúng ta đội là không đạt chuẩn. Thời gian sử dụng của mũ này rất thấp. Khi thải loại không sử dụng nữa đây là một vấn nạn kép.

Chúng ta đã ra một loạt chính sách nhưng chúng ta chưa thống kê hiệu quả của các chính sách. Vậy hiệu lực của văn bản ban hành là như thế nào? Nếu chúng ta không giải quyết tốt vấn đề rác thải nhựa thì cho thấy chúng ta đang thiếu sự sẵn sàng, đồng thời, nó cũng là phép thử về hiệu quả quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước.

Ông đánh giá như thế nào về tình hình phát sinh chất thải nhựa và nguy cơ ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa hiện nay?

Ông Võ Tuấn Nhân: Cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và hoạt động của con người, lượng chất thải nhựa và túi nylon sử dụng một lần phát sinh ngày càng tăng. Chúng ta đều biết, các sản phẩm nhựa phải mất hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm mới có thể bị phân hủy. Nhiều sản phẩm sau khi bị thải bỏ phân rã thành các mảnh nhựa rất nhỏ, cùng với vi hạt nhựa lẫn vào thức ăn, nước uống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, các hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái biển.

Theo ước tính, lượng chất thải nhựa và túi nylon chiếm khoảng 6-8% trong chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, một lượng lớn rác thải nhựa và túi nylon thải ra môi trường ngày càng gia tăng đe doạ nghiêm trọng đến môi trường đất, nước, không khí nếu không được thu gom, xử lý triệt để. Ngoài ra, chất thải nhựa và túi nylon xâm nhập vào hệ thống dòng chảy trong đất liền và được vận chuyển ra sông, ra biển, phân rã thành các mảnh nhỏ, từ đó các sinh vật biển có thể nuốt phải, ảnh hưởng đến sự hô hấp hoặc ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hoá, hoặc đi vào chuỗi thức ăn, là mối đe doạ đối với môi trường và hệ sinh thái.

Chất thải nhựa đang ngày càng gia tăng, nhất là từ việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy. Việc xử lý rác thải túi nylon chủ yếu bằng biện pháp chôn lấp vì giá trị thu hồi để tái chế thấp. Chất thải nhựa dùng một lần và túi nylon nếu không kiểm soát tốt sẽ tác động xấu đến môi trường sống.

Rõ ràng, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề báo động và xử lý rác thải nhựa đang đặt ra hết sức cấp bách. Thưa bà Đặng Thị Kim Chi, thời gian qua chúng ta đã có nhiều chính sách hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, tuy nhiên, phải chăng những chính sách này chưa đủ mạnh, bà có đề xuất gì trong thời gian tới?

Bà Đặng Thị Kim Chi: Từ thực tiễn và hoạt động nghiên cứu, tôi kiến nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền đối với người tiêu dùng để họ tự giác giảm sử dụng túi nylon khó phân hủy, tích cực thay đổi những túi này bằng sản phẩm túi nylon dễ phân hủy (Chất liệu sinh học, tre, giấy, gỗ…) để giảm sự tiêu thụ, dẫn đến rác thải sẽ giảm, đây là yếu tố rất quan trọng.

Bên cạnh đó, cần tiến tới cấm sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy và túi nylon mỏng dùng một lần. Có một số ý kiến cho rằng, làm như vậy sẽ gây hoang mang, không đủ sản phẩm thay thế, đẩy doanh nghiệp sản xuất đi vào khó khăn. Nhưng khi đã cấm, thì buộc doanh nghiệp, người dân, xã hội phải tìm ra những biện pháp mới thay thế, thân thiện với môi trường.

Một giải pháp khác là giảm thiểu phát sinh rác thải loại này, tiến hành tái chế, tái sử dụng dưới những hình thức có lợi cho môi trường. Ví dụ: Tái chế cơ học những sản phảm túi nylon thành nhựa rải đường, ghế tựa, hàng rào, giống như một số nước ngoài làm. Cao hơn nữa là phương pháp hóa học, hoặc dùng phương pháp nhiệt đồng phân hủy xử lý, tận dụng nhiệt rác thải nhựa trong lò nung xi măng, lấy nhiệt đó bù cho những nhiên liệu chúng ta đang sử dụng hiện nay.

Đồng thời, cần áp dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ tốt, mới, tiện lợi nhất, để trong quá trình sản xuất sinh ra ít những chất thải nhựa khó phân hủy nhất. Nghiên cứu quá trình công nghệ sản xuất các loại sản phẩm dễ phân hủy sinh học như nhựa sinh học, tre, nứa …. Những nghiên cứu cần nhanh chóng áp dụng vào cuộc sống.

Vấn đề cuối là về kinh tế thị trường. Túi nylon rất rẻ, các sản phẩm mới, thân thiện với môi trường thì đắt. Phải có các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trước hiểm họa rác thải nhựa tràn lan; khuyến khích sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, đánh thuế nặng những đơn vị sinh ra nhiều chất thải, đánh thuế cả những người tiêu dùng…

Từ góc độ doanh nghiệp, bà có đồng ý với quan điểm cho rằng cần bổ sung, tăng mạnh các công cụ kinh tế nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng theo hướng thân thiện với môi trường? Bà có đề xuất cụ thể gì trong vấn đề này?

Bà Trần Thanh Phương: Việc điều chỉnh hành vi người tiêu dùng cần sự phối hợp nhiều chiều. Tôi rất đồng tình với ý kiến của Giáo sư Kim Chi là chúng ta cần chú trọng đến tuyên truyền, trang bị kiến thức cho người tiêu dùng. Khi có kiến thức, họ mới đủ tự tin để chuyển lựa chọn của mình sang một thói quen tiêu dùng mới. Phải làm sao để thị trường có khả năng đáp ứng những sản phẩm thay thế, bởi khi nhận thức thay đổi mà thị trường theo sau thì việc đó sẽ không có nhiều giá trị.

Xu hướng tiêu dùng thân thiện môi trường thường mang tính đắt đỏ. Rõ rang, khi chúng ta phải đầu tư những khoản tiền trong ngắn hạn để đạt được lợi ích trong dài hạn khó đong đếm, lại gián tiếp liên quan đến sức khỏe con người, bảo vệ môi trường thì nếu nhận thức người dân không đầy đủ, sẽ không thể hình thành nên một thói quen tiêu dùng mới.

Để giúp sản phẩm thân thiện với môi trường ra được thị trường và cạnh tranh được thì quy mô thị trường phải đủ lớn, nhận thức xã hội phải đủ lớn. Bên cạnh những công cụ về thể chế chính sách, quản lý, thì cũng cần những công cụ kinh tế để giúp làm thay đổi những hành vi tiêu dùng. Tôi đề xuất nên có 2 nhóm công cụ: Một là, những sản phẩm gây tác hại đến môi trường như là túi nylon, nhựa dùng một lần, cần áp dụng thuế, phí mạnh hơn nữa lên những sản phẩm này. Hai là, nhóm công cụ kinh tế nhằm hỗ trợ, hãy giảm thuế phí cho doanh nghiệp, người tiêu dùng mà lựa chon những sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, Chính phủ nên cân nhắc về tăng trợ cấp, tài trợ, thúc đẩy những quỹ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Xin ông cho biết đối tượng chịu thuế và mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon khó phân hủy hiện nay?

Ông Võ Tuấn Nhân: Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Thuế Bảo vệ môi trường (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2012). Luật quy định túi nylon không thân thiện với môi trường là một trong những đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Chính phủ cũng đã tiếp tục đề xuất với Quốc hội điều chỉnh nâng mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi nylon khó phân hủy tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26 tháng 9 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (nâng mức thuế từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg).

Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính đánh giá hiệu quả chính sách thuế bảo vệ môi trường để từ đó có các giải pháp kinh tế, công cụ kinh tế đối với doanh nghiệp sản xuất đồ nhựa sử dụng một lần và túi nylon khó phân hủy.

Từ góc độ người tiêu dùng, ông có ủng hộ đề xuất tăng mạnh các công cụ về kinh tế để chống rác thải nhựa? Ông có đề xuất cụ thể gì nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân từ sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa tiện dụng hiện nay sang sử dụng sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường nhưng có giá thành cao hơn?

Ông Hoàng Quốc Dũng: Đã đến lúc chúng ta cần sử dụng mạnh công cụ kinh tế, sức mạnh vật chất bên cạnh truyền thông, tuyên truyền. Chúng ta phải thay đổi tư duy, áp đặt kinh tế lên khu vực tiêu dùng nhiều hơn khu vực sản xuất. Thói quen hàng chục năm qua của người dùng rất khó thay đổi, trừ khi có một mức xử phạt kinh tế nào đó. Ví dụ, có thể đánh thuế ở các siêu thị, cơ sở sử dụng túi nylon khó phân hủy, thay vì khuyến khích. Hoặc bản thân các khu dân cư có tới 6 tổ chức chính trị-xã hội, phải áp dụng cơ chế kinh tế ở các khu dân cư là hạn chế phát sinh rác thải nhựa, nylon. Các cơ sở sản xuất đồ nhựa dùng một lần, ngoài việc áp thuế hiện tại, phải tăng mạnh hơn nữa.

Liên quan đến việc chuyển đổi thói quen người tiêu dùng, đây là vấn đề lớn của công tác truyền thông. Thói quen là một phạm trù của luân lý, đạo đức. Để thay đổi đạo đức, không thể thay đổi nhanh nên thông qua truyền thông để thay đổi thói quen (thực chất là thay đổi đạo đức) thì tôi cho rằng đó là một điều quá sức. Mà quá trình thay đổi thói quen thường mang tính bước nhảy, thông qua một thời gian dài để thay đổi thói quen. Thế nhưng vẫn có bước nhảy đột biến, đó là cái chúng ta cần. Tôi đề xuất, bước nhảy đột biến đó trước hết là yếu tố nêu gương. Ví dụ, các lãnh đạo cấp cao nói xem ở nhà xử lý rác như thế nào. Hoặc trong những sự kiện lớn như các trận đấu của đội tuyển bóng đá Việt Nam, chúng ta hãy đưa thông điệp về chống rác thải nhựa để tác động vào quần chúng, thay vì nói bằng văn bản, giấy tờ… thì sẽ dần hình thành thói quen.

Xin cho biết quan điểm của ông về tầm quan trọng của công tác truyền thông chống rác thải nhựa?

Ông Võ Tuấn Nhân: Công tác truyền thông nâng cao nhận thức chống rác thải nhựa là rất quan trọng. Bộ Tài nguyên và Môi trường thường xuyên phối hợp với bộ, ngành và địa phương tổ chức nhiều hội thảo phổ biến, truyền thông, tuyên truyền tác hại của việc sử dụng một lần túi nylon khó phân hủy, khuyến khích cộng đồng tăng cường tái sử dụng túi nylon, sử dụng sản phẩm thân thiện hơn như túi nylon phân hủy sinh học.

Để lan tỏa các hoạt động quản lý rác thải nhựa, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trên toàn quốc (Công văn số 5539/BTNMT-TTTNMT ngày 10/10/2018) nhằm kêu gọi sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, vận động người tiêu dùng từ bỏ hành vi, thói quen sử dụng túi nylon khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích sử dụng các sản phẩm dễ phân hủy, có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường; kêu gọi các doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng các vật liệu thân thiện mới môi trường thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

Đặc biệt, vào ngày 9 tháng 6 năm 2019, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, UBND thành phố Hà Nội tổ chức Lễ ra quân toàn quốc “Phong trào chống rác thải nhựa”. Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, khu du lịch, dịch vụ, khách sạn… không sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích người mua sắm tự mang bao bì, túi đựng sử dụng nhiều lần, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Cần đặt quyết tâm chính trị cao, phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Lễ ký cam kết tham gia phong trào “Chống rác thải nhựa” với đại diện các tổ chức chính trị-xã hội, hiệp hội siêu thị, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nylon nhằm thay đổi thói quen, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nylon, sản phẩm nhựa dùng một lần của người dân. Với các hoạt động đã thực hiện, thực tế cho thấy, túi nylon thân thiện với môi trường, các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thể sản phẩm nhựa dùng một lần đang dần có chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt đã hiện hữu trong hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại lớn trên cả nước (Big C, Fivi Mart, Aeon, Coop mart, Vinmart, Maximart, …)

Qua tìm hiểu các thị trường xuất khẩu, bà có chia sẻ gì về kinh nghiệm chống rác thải nhựa ở các nước đi trước chúng ta, nhất là các chính sách đối với doanh nghiệp sản xuất loại sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường?

Bà Trần Thanh Phương: An Phát đã có những nghiên cứu kỹ lưỡng về chính sách cấm và hạn chế đồ nhựa dung một lần tại các thị trường xuất khẩu. Các chính sách cấm hay hạn chế này ở nhiều cấp độ khác nhau nhưng phần lớn đều tác động tới người tiêu dùng đầu cuối. Chúng tôi cũng nghiên cứu và thấy rằng nếu chỉ các chính sách cấm hay hạn chế bằng đánh thuế không thôi thì cũng không đủ tác động lớn làm thay đổi hành vị tiêu dùng mà vấn đề là chúng ta phải đưa ra sản phẩm thay thế để người tiêu dùng tiếp cận được.

Đối với các doanh nghiệp đang sản xuất các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường như An Phát chẳng hạn thì đỏi hỏi đầu tư lớn về công nghệ, trong khi giá thành nguyên vật liệu đầu vào sản xuất sản phẩm nhựa tự huỷ rất là cao. Đó là lý do tại sao các sản phẩm thay thế khó tiếp cận được với người tiêu dùng.

Qua chia sẻ của doanh nghiệp, xin cho biết ý kiến của ông trước đề xuất Nhà nước cần có thêm các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, hướng tới xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam?

Ông Võ Tuấn Nhân: Việc quản lý chất thải nhựa, túi nylon là vấn đề phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ, thống nhất và có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành, của người dân, doanh nghiệp cùng toàn xã hội. Bộ Tài nguyên và Môi trường ủng hộ và đang rà soát các chính sách hỗ trợ chuyển đổi sản xuất túi sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nylon khó phân hủy sang sử dụng các loại túi giấy và bao gói thân thiện với môi trường; thúc đẩy thị trường tiêu thụ túi thân thiện với môi trường. Chúng tôi cũng đang phối hợp nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách quản lý, xử lý chất thải, bao gồm cả chất thải nhựa trên nguyên tắc người phát sinh ra chất thải phải trả tiền; đề nghị mở rộng hỗ trợ tín dụng nhà nước cho các công trình, dự án tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa và túi nylon cũng như các ưu đãi về thuế, phí và lệ phí. Đồng thời, từng bước tạo lập thị trường tiêu dùng cho các sản phẩm túi thân thiện với môi trường; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải túi nylon khó phân hủy thành các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường, tất cả những giải pháp trên đều hướng tới thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Mới đây, tại lễ ra quân toàn quốc phong trào chống rác thải nhựa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ mục tiêu, phấn đấu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Đây là quyết tâm lớn của người đứng đầu Chính phủ, vậy trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho Chính phủ những giải pháp nào để triển khai thực hiện có hiệu quả?

Ông Võ Tuấn Nhân: Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang rà soát, đề xuất, tham mưu Chính phủ nhiều giải pháp, nhưng tựu chung lại có các nhóm giải pháp chính sau:

Một là, xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật nhằm hạn chế tình trạng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường như: Xây dựng dự án Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, chú trọng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư, sản xuất, sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường, tăng cường tái chế và tái sử dụng chất thải; tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng các chế tài xử lý nghiêm đối hành vi xả rác thải gây ô nhiễm môi trường; trình Chính phủ xem xét, ban hành trong năm 2020; tham mưu Thủ tướng Chính phủ xem xét, sửa đổi Quyết định 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu theo hướng chỉ cho phép nhập các loại nhựa có giá trị tái chế cao. Về thuế sẽ đề xuất đánh thuế cao đối với những sản phẩm nhựa và nylon sử dụng một lần; miễn, giảm thuế đối với các sản phẩm thân thiện môi trường.

Hai là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải túi nylon và chất thải nhựa thành các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường; sản xuất những sản phẩm thân thiện môi trường để thay thế như túi đựng thân thiện môi trường, chai, lọ thân thiện môi trường…

Ba là, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa, túi nylon sử dụng một lần đối với môi trường, hệ sinh thái và sức khoẻ con người; thường xuyên phát động các phong trào phòng chống rác thải nhựa.

Bốn là, xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện các giải pháp đã nêu, trong đó cần hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi nylon khó phân huỷ kể từ năm 2026 tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt; tuyên truyền, vận động và tổ chức ký cam kết chống rác thải nhựa, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần đối với các cơ sở sản xuất, các tổ chức phân phối sản phẩm, trung tâm thương mại, cửa hàng, nhà hàng, chợ, siêu thị; xây dựng và tổ chức thực hiện các mô hình điểm thực hiện hạn chế sử dụng túi khó phân hủy, chuyển từ việc sử dụng túi nylon sang các loại túi giấy và bao gói khác; thúc đẩy thị trường tiêu thụ túi thân thiện với môi trường; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất túi nylon khó phân hủy trên địa bàn, đặc biệt là nhóm sản xuất quy mô hộ gia đình; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất và tiêu thụ túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; đồng thời hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải nói chung và chất thải nhựa nói riêng.

Xin trân trọng cám ơn các vị khách mời đã tham dự toạ đàm!

Theo baochinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *